Thời gian gần đây, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng có diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng xấu lợi dụng điểm yếu không cảnh giác của người dân để dàn dựng kịch bản cho những chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Với tâm lý chủ quan, nhiều người dân đã tự biến mình thành nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến trên mạng. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo dựng hàng rào bảo vệ bản thân cho người dân trên không gian mạng là điều rất cần thiết và hữu ích trong bối cảnh hiện nay.
Cảnh giác khi chuyển tiền trực tuyến
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bởi sự tiện dụng, nhanh chóng nên phương thức này được người dân, nhất là giới trẻ sử dụng thường xuyên. Nhiều hình thức lừa đảo cũng bắt đầu xuất hiện như dùng cuộc gọi video Deep fake (sử dụng trí tuệ nhân tạo AI làm ra các đoạn video với hình ảnh khuôn mặt giống hệt như người thân của nạn nhân) để lừa đảo, tung tin người thân cấp cứu để đòi chuyển khoản viện phí… Tất cả đều có chung đặc điểm là chuyển tiền vào một tài khoản giả mạo và chiếm đoạt.
Để không rơi vào tình cảnh đáng tiếc trên, khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, cần phải kiểm tra đầy đủ thông tin cá nhân người nhận, có thể gọi điện thoại trực tiếp trước khi thực hiện chuyển khoản với số tiền lớn. Nếu có dấu hiệu đáng nghi cần dừng ngay mọi giao dịch.
Luôn bật xác thực 2 yếu tố
Điều này tưởng chừng rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng không phải ai cũng để ý và làm theo. Hầu hết mọi người đều không cảnh giác và tin tưởng tuyệt đối vào độ bảo mật của 1 lớp mật khẩu. Nhiều đối tượng xấu luôn tìm đủ cách để chiếm được thông tin của nạn nhân, từ đó dễ dàng thực hiện kế hoạch lừa đảo. Vì thế, việc bật bảo vệ 2 lớp là cách hữu dụng nhằm tăng thêm lớp bảo vệ cho thông tin cá nhân. Khi xác thực 2 yếu tố được bật, kẻ gian muốn đăng nhập vào tài khoản của bạn, ngoài mật khẩu còn cần cung cấp thêm mã xác nhận được gửi từ điện thoại chính chủ.
Không mua sắm trực tuyến trên các trang điện tử giả mạo
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều kẻ lừa đảo đã có thể tạo ra các trang điện tử giả mạo, khó phân biệt. Đặc biệt, cộng đồng mạng hiện nay thường xuyên có nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến. Nếu không thực sự để ý kỹ, nhiều người rất dễ sử dụng nhầm các trang điện tử giả mạo và bị mất tiền oan. Các trang bán hàng giả mạo thường thay đổi một số chi tiết nhỏ, rất khó nhận ra. Người dùng chỉ nên sử dụng và mua sắm trên các trang điện tử đã được mã hóa và không có dính lỗi chính tả ở tên nguồn. Nếu thấy những chi tiết bất thường, không nên tiếp tục mua sắm trên đó nữa.
Với sự đa dạng, biến đổi khó lường của các hình thức lừa đảo trực tuyến, người dân dùng mạng xã hội cần thông thái, chủ động cập nhật thông tin liên quan trên các kênh thông tin chính thống. Không chỉ bảo vệ thông tin, tài chính của bản thân trên mạng xã hội, người tham gia mạng xã hội còn cần tích cực tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho những người xung quanh trước các tình huống lừa đảo trực tuyến.
KIỀU TRANG.