Những năm qua, huyện Phù Cát đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ và khuyến khích người dân đưa vào sản xuất các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao; chú trọng mở rộng diện tích một số loại cây trồng thế mạnh, nhất là cây đậu phụng. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giao thông, thủy lợi…, các ngành và địa phương trong huyện còn giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH đê mở rộng quy mô, diện tích sản xuất.
Gia đình ông Đặng Văn Thảo – ở thôn Hòa Đại – xã Cát Hiệp trước đây thuộc diện hộ nghèo. Thông qua ủy thác từ hội nông dân xã, ông được vay 100 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện theo chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, ông mạnh dạn đầu tư đào giếng lớn khai thác mạch nước ngầm, lắp đặt hệ thống tưới nước phun tia, tưới béc… để chuyển tất cả 13 sào (500m2/sào) diện tích đất vườn, đất trồng mỳ, bạch đàn kém hiệu quả của gia đình sang trồng đậu phụng. Ngoài ra, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông còn trồng xen dừa xiêm và xoài Cát Hòa Lộc trong diện tích trồng đậu phụng và các loại cây trồng đều phát triển tốt, triển vọng cho năng suất và thu nhập ổn định.
Ông Thảo cho biết: “ Ngoài vấn đề vốn, tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật canh tác từ những người xung quanh để áp dụng vào sản xuất nên đậu phụng của gia đình phát triển tốt và mỗi vụ đều cho năng suất ở mức trên 250kg/sào, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi từ 4 – 5 triệu đồng/sào. Nhờ đó, kinh tế dần ổn định và gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Vụ đông xuân năm nay, xã Cát Hiệp đã mở rộng diện tích đậu phụng lên 825ha, với 2 hình thức là đậu phụng thuần và đậu phụng xen mỳ – là vụ có diện tích đậu phụng nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là địa phương có diện tích đậu phụng nhiều nhất huyện Phù Cát. Diện tích đậu phụng ở Cát Hiệp chủ yếu được mở rộng trên chân đất sản xuất lúa 1 vụ thiếu nước tưới, trên chân đất mỳ, đất điều kém hiệu quả. Nhờ thích hợp với đất đai và nguồn nước tưới được đảm bảo từ việc khai thác mạch nước ngầm và hệ thống kênh Văn Phong, Thuận Ninh; đồng thời sử dụng các loại giống đậu mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc … nên cây đậu đạt năng suất bình quân khoảng 45tạ/ha, cùng với giá cả tiêu thụ ổn định ở mức cao nên người dân thu lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. Có được kết quả trên, một phần là nhờ người dân trong xã đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CHXH huyện thông qua các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ trên địa bàn xã hiện nay hơn 37,3 tỷ đồng/687 hộ vay.
Ông Đào Văn Chung – PCT UBND xã Cát Hiệp cho biết: “Với sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn của ngân hàng CSXH thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, đã giúp người dân Cát Hiệp khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, từng bước mở rộng và nâng cao năng suất cây đậu phụng. Nhờ đó, đến nay giá trị sản xuất/ha canh tác ở xã Cát Hiệp đạt 134 triệu đồng/năm và có nhiều hộ khá, giàu nhờ cây đậu phụng”.
Ông Trần Quốc Đạt – Giám đốc PGD ngân hàng CSXH Phù Cát cho biết: “ Đến nay, ngân hàng CSXH Phù Cát thực hiện tổng dư nợ trên 735 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chiếm trên 20%. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất có hiệu quả, nhất là đầu tư sản xuất cây đậu phụng. Nhờ đó, các hộ vay đều có điều kiện phát triển kinh tế và trả lãi, trả nợ đúng hạn”.
Là một tổ chức tín dụng xã hội, ngoài giải ngân nguồn vốn kịp thời cho các đối tượng chính sách và người dân theo các chương trình mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội…. Nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH còn giúp nhiều hộ dân ở xã Cát Hiệp nói riêng và huyện Phù Cát nói chung thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, mở rộng và nâng cao năng suất các loại cây trồng cạn thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.