Hiệu quả mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Cát Trinh

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân; thời gian qua, huyện Phù Cát đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Vụ đông xuân 2022 – 2023, UBND xã Cát Trinh và Hợp tác xã nông nghiệp Cát Trinh 2 phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung bộ đã triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu  sản phẩm giống lúa ĐBR999, với quy mô 06ha tại thôn Phong An, có 50 hộ nông dân tham gia. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được Viện khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung bộ cung ứng lúa giống, được địa phương hỗ trợ 50% kinh phí mua lúa giống; được hướng kỹ thuật trong quá trình sản xuất; đồng thời, lúa sau khi thu hoạch được đơn vị cung ứng giống hỗ trợ bao bì và thu mua toàn bộ tại ruộng theo giá thị trường cùng thời điểm.

Hiệu quả mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Cát Trinh

Kết quả sản xuất cho thấy, giống lúa ĐBR999 dễ canh tác, thích hợp trên nhiều loại đất, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chịu lạnh tốt, nhẹ phân, ít nhiễm sâu bệnh nên tiết kiệm được chi phí đầu tư do hạn chế sử dụng thuốc BVTV và giảm lượng phân bón, nhưng trỗ tập trung, bông to hạt đóng dày và năng suất ước đạt khoảng 72,6tạ/ha, cao hơn 4,2tạ/ha so với giống lúa đối chứng KD18 sản xuất trên cùng chân đất. Lúa sau khi thu hoạch được thu mua lúa tươi tại ruộng  bằng giá lúa khô nên nông dân sẽ được hưởng lợi tăng từ 15 – 20% so với bán lúa khô trước đây; đồng thời tiết kiệm được chi phí bao bì, vận chuyển và công phơi … nên hiệu quả kinh tế cao hơn 5 triệu đồng/ha so với sản xuất giống lúa đối chứng KD 18 trên cùng chân đất và mức độ thâm canh.

Ông Trần Văn Công – thôn Phong An – xã Cát Trinh cho biết: “gia đình tôi tham gia làm 2 sào giống BĐR999. Không những được xã hỗ trợ 50% kinh phí mua giống mà còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể về thời điểm sạ, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với trước đây. Đã thế còn được thu mua lúa tươi tại ruộng nên giảm được công vận chuyển, phơi… nên lợi nhuận tăng hơn nhiều.”

Không những nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất mà mô hình sản xuất còn mang lại giá trị hàng hóa cao, bỡi đây là những giống lúa dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, có chất lượng gạo ngon được người sản xuất bún bánh ưa chuộng, thu mua với giá cao vì lợi gạo và cho giá trị thương phẩm cao. Do đó, người nông dân không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, thông qua ký kết với HTX nên người dân cũng yên tâm hơn về chất lượng giống cũng như kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình canh tác nên người dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Trung Tín – Phó chủ tịch UBND xã Cát Trinh cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình, Viện khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung bộ đã thực hiện rất tốt với địa phương và HTX dịch vụ nông nghiệp Cát Trinh 2 trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân xuyên suốt từ khi gieo sạ đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch. Qua thực tế sản xuất, giống lúa này tiết kiệm được chi phí đầu tư, dễ chăm sóc, nhưng lại cho năng suất cao, không đổ ngã… nên rất phù hợp với chân đát cát ở địa phương. Trong vụ hè thu sắp đến, chúng tôi sẽ vận động bà con nhân dân tiếp tục sử dụng giống lúa này và các giống lúa khác do Viện cung cấp để sản xuất trên diện rộng, nhằm nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho bà con.”

Từ thành công này, xã Cát Trinh nói riêng và huyện Phù Cát nói chung sẽ tiếp tục mở rộng mô hình liên kết ở những địa phương khác trong vụ hè thu và các vụ tiếp theo; đồng thời tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại địa phương; tạo đầu ra ổn định cho nông sản với sản phẩm gạo có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *